SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY BAO ĐIỀU KỲ THÚ

Về miền Tây, tức vùng đất ở về phía Tây Nam Bộ, còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hay châu thổ sông Cửu Long có lẽ, không ai xa lạ gì một xứ sở nổi tiếng cây lành trái ngọt, con người cần cù, năng động, hào phóng, nghĩa khí, nặng tình! Tuy lịch sử hình thành muộn hơn so với nhiều nơi, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nơi đây trở thành khu vực kinh tế nông nghiệp phát triển, vào bậc nhất cả nước. Hằng năm, xuất khẩu gạo chiếm hơn 90%, trái cây chiếm 70% và thủy sản chiếm trên 60% sản lượng cả nước.

Không chỉ dồi dào về kinh tế, miền Tây còn sinh thành nên bao giá trị văn hóa sông nước miệt vườn đặc trưng, “điểm đến” hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

VÀI NÉT VỀ TỰ NHIÊN VÀ ĐỊA LÝ – HÀNH CHÍNH

Miền Tây – châu thổ rộng lớn của dòng sông Mekong về phía hạ lưu, diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, trong đó có đến 3,3 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp. Dân số chung 17,3 triệu người, chiếm 18% số dân cả nước. Tính từ cửa ngõ Long An đến chót mũi Cà Mau, có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 18 thành phố, 10 thị xã thuộc tỉnh và 106 quận, huyện (thời điểm 2022).

 The map of Mekong Delta

Sự trù mật của đồng bằng này, trước hết nhờ ở đất đai phì nhiêu, do lượng phù sa khổng lồ khoảng 150-200 triệu m3 từ hai con sông Hậu, sông Tiền hàng năm bồi đắp. Mỗi dòng sông dài 220-250km. Dù vậy, có được thành quả như hôm nay, miền Tây đã trải qua biết bao biến động, thăng trầm. Lịch sử mở đất, giữ đất và phát triển, đã được viết lên bằng biết bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ tiền nhân. Ngay buổi đầu, những đợt lưu dân chủ yếu từ Ngũ Quảng (miền Trung) đặt chân lập nghiệp, không khỏi lo âu, kinh sợ:

Đến đây xứ sở lạ lùng

Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh

Không “sợ”, không “kinh” sao được khi đặt chân đến vùng đất lạ, nhìn tứ phía toàn là rừng hoang, bốn bề mênh mông sông nước!?

Chèo ghe sợ sấu cắn chưn

Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng cọp tha

Khó nhọc, gian lao, chết choc bởi thú dữ và rừng thiêng, nước độc. Nhưng con người đã dám đứng chân lập nghiệp nơi đây. Họ phải gan dạ, thông minh đối phó với hiểm nguy, vận dụng được các qui luật của thiên nhiên khắc nghiệt, phục vụ lại lợi ích con người. Đặc biệt, là biết nương dựa vào các ưu thế và trắc trở của mặt bằng sông nước để sinh tồn, không ngừng củng cố, nâng cao đời sống.

Thời các chúa Nguyễn và Triều Nguyễn, chính sách khẩn hoang lập ấp được thực hiện; nhiều con kinh lớn được đào mở như Thoại Hà, Vĩnh Tế (vùng An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên).

Khi ổn định bộ máy cai trị, người Pháp tiến hành công cuộc khai thác lớn miền Hậu Giang, tức dải đất phía bờ Tây Nam sông Hậu; tiếp tục mở rộng hệ thống thủy nông, tạo điều kiện đắp lộ xe, lập phố chợ. Nhiều cụm kinh lớn như Ngã Bảy, Ngã Năm, Xà No, Cái Sắn, Eméry (Thốt Nốt), Thị Đội – Ô Môn,…ra đời; thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống. Dần dần, người ta gọi chung dải đất thuộc lưu vực sông Tiền và sông Hậu, kể cả miền Hậu Giang, là miền Tây.

ở miền Tây. Đi đâu cũng gặp sông nước. Đến những năm cuối thế kỷ XX, tại nhiều vùng nông thôn, từ nhà này muốn sang nhà kia thường phải chèo ghe, chống xuồng hay trèo lên cây cầu khỉ,…Thời Pháp thuộc, từ Sài Gòn theo đường thuộc địa số 16 (Lộ Đông Dương, nay là Quốc lộ 1A), đến Cà Mau non 400km, phải qua 2 bến bắc lớn, non 200 cây cầu.

Ngày nay, có thể nhẩm tính: tại miền Tây, mỗi xóm ấp ít nhất cũng 8-10km kinh, rạch; mỗi xã ước khoảng 100km và mỗi huyện trên dưới 1.000km. Như vậy, trong mỗi tỉnh có từ 5.000 – 8.000km sông, kinh, rạch chằng chịt. Chưa ghi nhận số liệu thống kê chính xác, nhưng ước tính gộp lại 13 tỉnh, thành phố có lẽ độ dài các thủy lộ lớn, nhỏ không dưới 50.000km.

Từ cội nguồn vùng sông nước Cửu Long, đã làm nên đời sống kinh tế sung túc, đời sống văn hóa phong phú. Đó là cả một quá trình sáng tạo, mở mang và phát triển. Chủ lực của sự phát triển ấy là bắt đầu từ sông nước; một đời sống “trôi nổi” nhưng vững bền, qua sang lọc của thời gian đã trở thành những giá trị sống, một dạng văn hóa đặc trưng – “Văn hóa nổi”!

Nguồn: Chợ nổi miền Tây, tác giả Nhâm Hùng, nhà xuất bản Thanh Niên.