TỤC VẼ MẮT THUYỀN

Thuyền bè ngoài chức năng là phương tiện đi lại, vận chuyển, đánh bắt thuỷ sản, thông tin liên lạc,… còn là một sản phẩm văn hoá độc đáo, gắn liền với các phong tục tập quán, nghi lễ về sông nước. Một trong những phong tục khá phổ biến và lý thú là vẽ mắt trên các con thuyền. Có nhiều quan niệm trong dân guan về mắt thuyền. Ngư dân xem thuyền cũng như cá, một sinh vật dưới biển, cho nên phải có mắt để thấy đường đi và tránh nguy hiểm.

Một truyền thuyết khác ở Nha Trang (Khánh Hoà) cho rằng, vẽ mắt “thuồng luồng” trên mũi thuyền sẽ tránh cho thuyền bị các loài thuỷ quái dưới biển làm hại. Một câu chuyện nữa lại kể, ông vua Việt Nam đầu tiên là người vẽ mắt lên thuyền của mình, do có một vài hạ thần của ông bị các kình ngư, mà người ta phỏng đoán là cá mập, ăn thịt. Ông ra lệnh cho các hạ thần của ông phải xăm mình và trang trí vỏ thuyền sao cho có hình dạng dữ tợn để xua đuổi các quái vật dưới biển. Một trong những cách trang trí đó là vẽ cặp mắt trên thuyền. Có giả thuyết lại cho rằng, mắt thuyền là mắt chim ó, loại chim lớn chuyên ăn cá trên biển, thường xuất hiện khi có gió to sóng lớn. Đây là một sinh vật hung hăng, căn cứ theo thuyết “Nhất điều, nhì ngư, tam xà, tứ tượng” để làm khiếp đảm các loài thuỷ quái. Trích từ “Một Góc Nhìn Về Biển”, tác giả Nguyễn Thanh Lợi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *